Năm 2022 - năm thứ 3 ngành y tế không có được ngày lễ kỷ niệm trọn vẹn vì cuộc chiến với dịch COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn đầy thử thách. Thế nhưng, trong vất vả, hy sinh, cán bộ, nhân viên ngành y tế đang được đón nhận tình cảm, sự tri ân và tôn vinh của cộng đồng. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế có cuộc trò chuyện với P.V Báo Hà Tĩnh.
P.V: Thưa
bác sỹ, kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay cũng là thời điểm chúng ta
nhìn lại hơn 2 năm toàn ngành dồn sức phòng chống dịch COVID-19. Xin ông chia
sẻ về những kết quả này?
Ông
Nguyễn Tuấn: Dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ
đầu tháng 2/2020 đến nay và tiếp tục lan rộng với diễn biến phức tạp, khó
lường. Đây là một đại dịch mới, chưa có tiền lệ, hầu hết các nước, các địa
phương chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó; vi-rút liên tục biến đổi với những
biến chủng lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát. Chính vì vậy, hơn 2 năm qua,
ngành y tế đã nỗ lực không ngừng trên tất cả các lĩnh vực từ công tác tham mưu
cho lãnh đạo tỉnh về chuyên môn trong phòng chống dịch đến việc triển khai công
tác giám sát, điều tra, truy vết, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân...
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở huyện Kỳ Anh (tháng 11/2021). |
Ở mỗi thời điểm,
ngành đều có những tham mưu sát đúng, linh hoạt tùy theo tình hình thực tế dịch
trên địa bàn, với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên
trên hết, trước hết. Thống nhất chỉ đạo, thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến
huyện, xã, thôn, xóm; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao việc rõ,
không chồng chéo.
Thời kỳ đầu với mục
tiêu xác định zero COVID, ngành y tế đã thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả chiến
lược phòng chống dịch: “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và
điều trị hiệu quả”. Toàn bộ hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung cao
cho việc điều tra, truy vết, xét nghiệm các đối tượng F1, F2 và các đối tượng
có nguy cơ cao... Đến nay, ngành đã thiết lập, vận hành tốt 4 cơ sở xét nghiệm
RT-PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Trung
tâm Y tế Hương Sơn, Bệnh viện TTH và 260 cơ sở test nhanh kháng nguyên sàng lọc
COVID-19 tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả
hệ thống chính trị, những ổ dịch tại các địa phương nhanh chóng được khoanh
vùng, xử lý sớm, hạn chế thấp nhất số ca mắc trong cộng đồng.
Cán bộ, nhân viên y tế xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm tại xã Cẩm Sơn - huyện Cẩm Xuyên (tháng 9/2021) |
Nhân viên y tế thị trấn Thạch Hà kiểm tra, giám sát và theo dõi tình hình sức khỏe của từng người bệnh đang điều trị tại nhà (tháng 2/2022). |
Trong thời gian tới,
ngành y tế tiếp tục tham mưu cho tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19
tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, linh hoạt các biện pháp phòng chống
dịch với mục tiêu giảm số lượng ca nhiễm mới, đảm bảo điều trị hiệu quả cho các
bệnh nhân, giảm quá tải y tế, giảm ca tử vong. Cùng với việc phối hợp khoanh
vùng ổ dịch, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và áp dụng
các biện pháp cách ly, phong tỏa phù hợp; tiếp nhận điều trị, chăm sóc tốt các
trường hợp nhiễm COVID-19, ngành sẽ phối hợp với các cấp, ngành, địa phương,
đơn vị triển khai “thần tốc” chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt chuẩn bị
tốt mọi điều kiện để tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi khi có
quyết định của Bộ Y tế.
P.V: Trên hành trình dài với nhiều gian khó, đội ngũ cán bộ, nhân
viên y tế đã và đang tiếp tục thể hiện bản lĩnh, sự cống hiến như thế nào, thưa
ông?
Ông Nguyễn Tuấn: Trải
qua hơn 2 năm trên mặt trận phòng chống dịch, tôi đã ngạc nhiên là vì sao đội
ngũ cán bộ, nhân viên y tế của ngành nhiều năng lượng đến thế. 3 năm không được
kỷ niệm ngày lễ của ngành; 2 cái tết không được trọn vẹn. Gác lại tất cả, họ
còn phải lăn lộn tại các cơ sở y tế hay bất cứ nơi đâu để lấy mẫu, truy vết,
xét nghiệm, chăm sóc người cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19… Gánh sứ mệnh
trên vai, họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì sức khỏe cộng đồng, trong khi đồng
lương, phụ cấp còn eo hẹp, thu nhập lại giảm sút… Những khi dịch bùng phát
mạnh, nhiều người cả tháng không được về nhà; có gia đình cả hai vợ chồng cùng
tham gia trên tuyến đầu chống dịch.
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn trực tiếp chỉ đạo xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) phòng chống dịch (tháng 11/2021) |
P.V: Vâng, thưa ông, trong những lúc toàn ngành gồng mình phòng
chống dịch với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, công tác khám chữa bệnh
đã được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn: Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh do COVID-19, ngành đã song song triển khai các nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện đảm bảo tốt công tác phòng chống lây nhiễm COVID-19. Trong bối cảnh dịch căng thẳng, vật tư hóa chất thiếu thốn, các bệnh viện vẫn thực hiện rất tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh (KCB). Lưu lượng KCB mặc dù có giảm nhưng chất lượng đã được nâng cao. Thời điểm khó khăn khi đi điều trị ở tuyến trên đã tạo cơ hội mới cho các bệnh viện trên địa bàn thể hiện được chất lượng KCB, tạo niềm tin trong Nhân dân. Các bệnh viện đã triển khai và duy trì chương trình KCB trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành khác... Tại các chương trình này, nhiều bệnh nhân nặng đã được các chuyên gia đầu ngành của Trung ương cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị kịp thời, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ KCB chất lượng cao ngay tại tỉnh nhà. Trong năm, số lượt khám bệnh là 2.136.500; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch của các bệnh viện tuyến tỉnh là 111,5%, tuyến huyện là 110,7%.
Các bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cấp cứu cho bệnh nhân. |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. |
P.V: Thêm một năm kỷ niệm ngày truyền thống của ngành trong bối
cảnh đặc biệt, khi cả nước, cả tỉnh đang nỗ lực thực hiện thích ứng an toàn,
linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19. Ông muốn gửi gắm những điều gì?
Ông Nguyễn Tuấn: Đây
là năm thứ 3 ngành y tế không có được ngày kỷ niệm trọn vẹn vì cuộc chiến với
dịch COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn đầy cam go, thử thách. Thế nhưng, trong
vất vả, hy sinh, những cán bộ y tế chúng tôi vẫn luôn được đón nhận những tình
cảm, tri ân của người dân, sự tôn vinh của cả cộng đồng. Đây chính là động lực
để mỗi cán bộ ngành y tế nỗ lực vì sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc của người
dân.
Nữ nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu tại TP Hà Tĩnh trong điều kiện nắng nóng gay gắt của những ngày tháng 6/2021. |
Nhân ngày 27/2, tôi
xin thay mặt cho lãnh đạo ngành gửi lời tri ân sâu sắc nhất tới gia đình các
thầy thuốc đã hy sinh vì công cuộc phòng chống dịch bệnh, các bậc lão thành,
các thầy thuốc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đang âm thầm
với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và sự bình an của Nhân dân; chúc cán bộ ngành y
tiếp tục thực hiện tốt lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ
mẫu”, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19,
không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ, tu dưỡng y đức, hoàn thành tốt sứ mệnh
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Tôi cũng xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh lời cảm ơn sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo đối với ngành y tế; cảm ơn các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan thông tấn báo chí và Nhân dân đã đồng hành phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Xác định cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn lâu dài với nhiều khó
khăn, phức tạp, tôi mong muốn các cấp, ngành, địa phương, người dân tiếp tục
phối hợp, chia sẻ, đồng hành với ngành để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và chiến
thắng đại dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân, thực hiện tốt thích ứng an toàn,
linh hoạt kiểm soát dịch để phát triển KT-XH tỉnh nhà.
P.V: Xin cảm ơn ông!
MAI
THỦY - THU HÒA - ĐÌNH NHẤT (THỰC HIỆN)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.