Tuy vậy, ngay sau khi kết thúc thời hạn cách ly tập trung, bệnh nhân không thực hiện tái khám sức khỏe như chỉ định của bác sĩ mà gia đình lại đưa bệnh nhân đi khám và uống thuốc thầy lang khiến bệnh tình trở nặng lại. Hiện bệnh nhân N.Q.Q đang được tiếp tục điều trị tại Khoa Cấp tính nam – Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.
Bác sĩ CK I Nguyễn Văn Mạnh- Trưởng khoa Khám bệnh- Cấp cứu- Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết, thời điểm này, tại Hà Tĩnh, tỷ lệ bệnh nhân đến viện khám và điều trị do mắc chứng Stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí mắc bệnh rối loạn cảm xúc, tâm thần… ngày càng gia tăng với khoảng 800 bệnh nhân/1 tháng. Đặc biệt, có nhiều người gặp sang chấn về mặt tâm lý khi đang thực hiện cách ly y tế hay điều trị COVID-19. Vì vậy, thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ sở cách lý tập trung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn tỉnh làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân vừa nhiễm COVID-19 vừa mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần.
Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị COVID-19 có dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần, Bác sỹ Hồ Giang Nam- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, trưởng khu tiếp nhận điều trị cho biết: “ Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 14/6), trong số 204 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại đây, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu của chứng lo âu, 26 bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt của triệu chứng rối loạn tâm thần, mất ngủ, street…Chúng tôi phối hợp bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh điều trị cho bệnh nhân bằng cách kết hợp dùng thuốc và điều trị tâm lý, động viên, hướng dẫn tập luyện các liệu pháp thể dục thể thao, tập thở…Các bệnh nhân dần dần ổn định tâm lý, điều trị khỏi COVID-19 và được xuất viện.”
Để hỗ trợ người dân trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh đã chủ động trích nguồn kinh phí từ bệnh viện để mua thuốc và bố trí y, bác sĩ cùng phương tiện phòng hộ trực tiếp đến các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 để khám và điều trị. Các nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung thực hiện y lệnh của các bác sĩ và phối hợp theo dõi quá trình dùng thuốc cũng như tiến triển của bệnh nhân. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc sử dụng hình thức khám chữa bệnh từ xa thông qua mạng xã hội Zalo được các bác sĩ khai thác sử dụng. Thông qua các kết quả cận lâm sàng và lâm sàng, các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh có những tư vấn kịp thời, phù hợp về phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
“Đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trực tiếp gây bệnh lý tâm thần. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra những nguy cơ về việc làm, cuộc sống đảo lộn... tạo nên những biến cố lớn ảnh hưởng tâm lý. Các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể có các biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, stress kéo dài.... Một số trường hợp mắc bệnh lý tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết tiến triển thành mãn tính dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, không làm được việc, ảnh hưởng mối quan hệ trong gia đình… Khi ở tình trạng nguy hại nhất, bệnh nhân không chỉ có ý nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân là tự sát mà còn có hành vi giết cả người thân hoặc người mình thù ghét rồi tự tử”, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh nhấn mạnh.
Hưởng ứng Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10/2021, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra thông điệp “ Chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân- Hãy biến điều đó thành hiện thực” để nhắn gửi tất cả chúng ta phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân khi đại dịch COVID-19 xảy ra, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.
Vì vậy, theo bác sĩ Mạnh, người dân cần đi khám khi có một vài biểu hiện điển hình như: rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…, Người dân cũng cần tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật. Kiểm soát tốt thời gian của bản thân bằng cách lên lịch làm việc, sinh hoạt và duy trì lịch trình đó. Xây dựng và cải thiện mối quan hệ thân thiện xung quanh. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đủ 7-8 tiếng trong một đêm và có giấc ngủ sâu.
Đoàn Loan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.