Từ ngày 16/6 -19/6/2021, Hà Tĩnh triển khai xét nghiệm COVID-19 mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm khẩn trương sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ trong cộng đồng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Ban biên tập Cổng thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế về nội dung này
BBT: Thưa tiến sĩ, xin tiến sĩ cho biết việc triển khai xét nghiệm COVID-19 mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh có ý nghĩa như thế nào đối với công tác chống dịch hiện nay?
Tiến sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế: Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp hiện nay, việc xét nghiệm mở rộng, sàng lọc và phát hiện sớm trường hợp nhiễm COVID-19 có ý nghĩa quan trọng. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp ngành chuyên môn quyết định phương án cách ly, xử lý ổ dịch một cách hiệu quả, qua đó kiểm soát tối đa, không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Từ sự kêu gọi của tỉnh, doanh nghiệp tài trợ kinh phí và Công ty Việt Á sẽ trực tiếp thực hiện hỗ trợ xét nghiệm mở rộng, góp phần giúp Hà Tĩnh phòng, chống dịch kịp thời, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.
Thời gian thực hiện xét nghiệm mở rộng trên địa bàn từ ngày 16/6 đến 19/6/2021, cho 150.000 người, sử dụng phương pháp Real Time-PCR, với công suất ít nhất 40.000 mẫu/ngày.
Lấy mẫu cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế Nghi Xuân
BBT: Vậy, đối tượng nào được ưu tiêm xét nghiệm và việc phân bổ chỉ tiêu như thế nào thưa ông?
Tiến sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế: Việc xét nghiệm sẽ được thực hiện ở 8 nhóm đối tượng, gồm: Người dân trong khu vực đang phong tỏa; các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; nhân viên y tế (cả ngoài công lập), bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, cán bộ, học sinh Trường Cao đẳng Y tế; người có triệu chứng từ nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ ngày 3/6/2021 trở lại nay (cócác triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở, đau rát họng, mất vị giác);các trường hợp thuộc nhóm F2, F3 đang cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; người có liên quan dịch tễ, đi từ vùng có dịch và có nguy cơ cao; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có đến cơ sở y tế trong tỉnh từ ngày 03/6/2021 trở lại nay; tại các chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, bến xe tại TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Hương Sơn, Thạch Hà; ban quản lý, bảo vệ, trông xe, người bán hàng, đại diện hộ gia đình khu vực xung quanh chợ, thu ngân, tại TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Hương Sơn, Thạch Hà; tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: người lao động nguy cơ cao (người đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều với người ngoài, đại diện hộ dân quanh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi ở trọ của công nhân).
Việc phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các địa phương có ca bệnh dương tính, đặc biệt là các ca xuất hiện trong cộng đồng; có khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy mô dân số đông. Cụ thể như sau: TP Hà Tĩnh: 20.000 người; Hương Sơn: 20.000 người; Lộc Hà 15.000 người; Thạch Hà 15.000 người; TX Hồng Lĩnh 5.000 người; Đức Thọ 13.000 người; TX Kỳ Anh 12.000 người; Nghi Xuân 8.000 người; huyện Kỳ Anh 9.000 người; Cẩm Xuyên 10.000 người; Can Lộc 12.000 người; Vũ Quang 3.000 người; Hương Khê 8.000 người.
Lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ Trung tâm Y tế Thạch Hà
BBT: Xin ông thông tin đến thời điểm này, việc triển khai xét nghiệm mở rộng đã được thực hiện như thế nào?
Tiến sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế: Đến thời điểm này, các sở, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo phân công để thực hiện xét nghiệm mở rộng.
Theo đó, Sở Y tế, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã thành lập tổ điều phối để chỉ đạo triển khai kế hoạch; chỉ đạo các đơn vị trong ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc xét nghiệm hiệu quả, đúng tiến độ; huy động, điều phối nhân lực lấy mẫu cho các địa phương và phối hợp với Công ty Việt Á để tổ chức xét nghiệm.
Về nhân lực lấy mẫu, Sở Y tế đã huy động khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên y tế trong toàn tỉnh, sinh viên và cán bộ trường Cao đẵng Y tế Hà Tĩnh đã được đào tạo về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn được Sở Y tế Nghệ An giúp đỡ về lực lượng lấy mẫu. Khi cần tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị tăng cường lực lượng từ các tỉnh khác với mục tiêu không thể thiếu nhân lực lấy mẫu.
Công ty Việt Á đã chuẩn bị đảm bảo nhân lực, máy xét nghiệm, hóa chất, sinh phẩm, vật tư lấy mẫu để thực hiện việc xét nghiệm. Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Công ty Việt Á thiết lập labo xét nghiệm, chỉ đạo, theo dõi, giám sát, điều phối vật tư lấy mẫu, nhận mẫu theo tiến độ; chỉ đạo, hướng dẫn, các địa phương cách thức tổ chức lấy mẫu.
Các bệnh viện tuyến huyện chịu sự điều phối của chính quyền cấp huyện trên địa bàn trong công tác lấy mẫu. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tổng hợp danh sách cán bộ trong ngành, đơn vị có tham gia phòng, chống dịch trên từng địa bàn để cung cấp cho UBND tuyến huyện sắp xếp thời gian, địa điểm lấy mẫu xét nghiệm.
BBT: Để đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiến độ và an toàn phòng, chống dịch trong quá trình xét nghiệm mở rộng, Sở Y tế có sự chỉ đạo, khuyến cáo như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế: Để đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiến độ và an toàn phòng, chống dịch, Sở Y tế yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lên danh sách người dân theo các nhóm đối tượng của từng thôn, xóm. Tổ chức lấy mẫu tập trung và bố trí một cách khoa học, đáp ứng đúng tiến độ, có lịch hẹn người dân theo khung giờ để tránh ùn tắc, đông người. Theo đó, bố trí 1điểm/1 thôn, xóm và cử người điều phối, thông báo trên loa để người dân đến lấy mẫu, không tập trung đông người cùng một thời điểm.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức nhận vật tư lấy mẫu, lấy, bảo quản, vận chuyển mẫu, huyện nào tự lấy cho huyện đó (nếu cần bổ sung nhân lực thì báo về Sở Y tế để điều tiết); chuẩn bị đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho người lấy mẫu; đảm bảo lấy đủ số mẫu được phân bổ.
Việc thực hiện sẽ theo hình thức cuốn chiếu, ưu tiên địa bàn, khu vực trọng điểm, đối tượng nguy cơ; thực hiện phân luồng trong quá trình lấy mẫu. Đặc biệt, đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, đảm bảo quy trình một chiều, giãn cách và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch. Yêu cầu người dân và các điểm lấy mẫu tuyệt đối thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; bố trí nước sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và giữ khoảng cách khi đến lấy mẫu.
Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo công tác xử lý chất thải y tế và kiểm soát, phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản bệnh phẩm và xét nghiệm.
Thanh Loan (thực hiện)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.