Hơn 50% các trường hợp động kinh không có nguyên nhân nào rõ rệt.
Số còn lại được cho là có liên quan đến di truyền mang tính gia đình qua yếu tố gien hoặc do bệnh lý ở bộ não như chấn thương não, viêm màng não, viêm não, u não, sau phẫu thuật ở vùng não, đột quỵ (tai biến mạch máu não)…
Trẻ em bị sang chấn vùng đầu sau sinh, hoặc sinh ra bị ngạt cũng dễ mắc bệnh động kinh.
Biểu hiện của bệnh động kinh
Các nhà chuyên môn trong lĩnh vực thần kinh tâm thần đưa ra định nghĩa: Bệnh động kinh là một rối loạn từ các tín hiệu điện trong não, gây co giật tái diễn.
Khi lên cơn động kinh, biểu hiện thay đổi tùy người. Có người chỉ đơn giản là nhìn ngây người trong vài giây, trong khi người khác lại là một cơn co giật thực sự.
Nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ cho thấy, cứ 100 người dân thì có 1 người xảy ra 1 cơn động kinh vô cớ trong đời của họ.
Các nhà chuyên môn cũng khẳng định rằng, một cơn động kinh xảy ra đơn độc không có nghĩa là người đó mắc bệnh động kinh.
Chỉ xác định mắc bệnh động kinh khi đã từng có ít nhất 2 cơn động kinh xảy ra một cách vô cớ. Một cơn động kinh xảy ra có thể thấy có các biểu hiện sau đây:
- Mắt nhìn chằm chằm và tạm thời nhầm lẫn.
- Không kiểm soát được tay chân do sự rung giật của các cơ.
- Mất ý thức trong một khoảng thời gian nào đó.
Cơn động kinh của người này có thể không giống cơn động kinh của người kia về cách biểu hiện và thời gian. Song ở một người, các cơn động kinh xảy ra giống như là bản photocopy vậy.
Tùy biểu hiện, cơn động kinh được chia làm 2 loại: cục bộ và toàn thể. Một số trường hợp, khởi đầu là động kinh cục bộ, nhưng sau đó lại "lan" ra toàn thể.
- Động kinh cục bộ: Xảy ra khi cơn động kinh chỉ xuất hiện từ hoạt động bất thường của một phần bộ não. Do đó tầm ảnh hưởng diện hẹp, chỉ lộ ra ở một vài bộ phận trong cơ thể mà thôi.
- Động kinh toàn thể: Xảy ra khi cơn động kinh xuất hiện từ hoạt động bất thường dường như của toàn bộ bộ não. Do đó tầm ảnh hưởng diện rộng, biểu hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể.
Cần làm gì nếu xảy ra một cơn động kinh?
Nếu cơn động kinh xảy ra lần đầu và nhanh chóng kết thúc, người bệnh hoặc người nhà cần tham khảo ý kiến các bác sĩ để nhận được những lời khuyên mang tính dự phòng cho tình huống có thể xảy ra tiếp theo trong tương lai.
Sự tham vấn này đặc biệt cần thiết cho người xảy ra cơn đầu tiên nhưng lại mắc các bệnh đái tháo đường, chấn thương đầu sau cơn động kinh và các phụ nữ đang mang thai.
Khi cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút hoặc lặp lại ngay sau đó cần có sự trợ giúp của nhân viên y tế và nhất là thăm khám chuyên khoa thần kinh để nhận được quyết định điều trị càng sớm càng tốt.
Lưu ý, không cố gắng hạn chế cơn động kinh bằng cách nắm giữ chân tay; không đặt ngón tay hoặc bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh; không lay gọi đánh thức hoặc la mắng; không cho uống nước hoặc bất cứ thứ gì khác khi đang co giật.
Nên nới lỏng quần áo, khăn quàng cổ, tháo bỏ giày dép; nếu có thể, đẩy cho đầu nghiêng hoặc nghiêng người sang bên để tránh sặc chất nôn.
Luôn ở cạnh người bệnh khi đang lên cơn, quan sát diễn biến và lưu ý khoảng thời gian xảy ra để sau này có thể mô tả lại một cách chính xác cho bác sĩ biết. Luôn giữ sự bình tĩnh và trấn an mọi người bình tĩnh.
Một khi đã mắc bệnh động kinh, một cơn động kinh nhẹ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong những tình huống nhất định nào đó như đang lái xe, lái tàu, trèo cây, leo mái nhà, tắm sông, tắm biển…
Do đó, người bệnh nên uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để các cơn động kinh bị loại trừ hoặc giảm tần suất và cường độ động kinh.
Người mắc bệnh động kinh, nếu không được khám xác định và điều trị sớm, chắc chắn diễn biến sẽ ngày càng nặng hơn và tất nhiên bất cứ lúc nào cũng đều có thể xảy ra những điều tồi tệ nhất cho bản thân và những người xung quanh.
Các nhà chuyên môn khuyên người bệnh động kinh luôn mang theo giấy tờ liên quan đến bệnh để dễ dàng nhận biết khi tình huống xảy ra mà không có người thân bên cạnh.
Nhìn chung, có khoảng 1/1.000 người bệnh động kinh có khả năng tử vong đột ngột mà không biết nguyên nhân nào gây ra, nhất là ở những người mắc bệnh động kinh không kiểm soát được bằng điều trị hoặc không được điều trị gì cả.
Người bệnh có những cơn co giật toàn thân và cơn động kinh xảy ra dày, nguy cơ tử vong cũng rất cao.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.