Rối loạn hưng cảm, còn gọi là cơn hưng cảm hay giai đoạn hưng cảm, là một trạng thái hưng phấn tâm thần, với những đặc điểm: tăng khí sắc với màu sắc khoái cảm, tăng tốc độ tư duy, tăng hoạt động (hoạt động hỗn độn), rối loạn giấc ngủ và một số chức năng sinh học khác.
A. Đặc điểm biểu hiện của cơn hưng cảm
1. Phương thức xuất hiện cơn
- Đột ngột hoặc tuần tự, sau một giai đoạn rối loạn khí sắc tiềm tàng.
- Có thể tiếp theo sau một pha trầm cảm, tự phát hoặc trong quá trình điều trị.
2. Các nhân tố thuận lợi
- Tuổi từ 18-40
- Tiền sử cá nhân và gia đình có các biểu hiện: hưng cảm và/hoặc trầm cảm, tự sát, cơn thèm rượu.
- Có hoặc không có sang chấn tâm lý thúc đẩy.
3. Giai đoạn khởi phát
- Các triệu chứng thường gặp:
- Mất ngủ: sớm, dai dẳng, không có cảm giác mệt, thuốc ngủ không có hiệu quả.
- Ăn mặc lố lăng, hoạt động nhiều, viết lách liên tục.
- Cảm giác thoải mái, khoái cảm, lạc quan.
- Thay đổi tính cách so với trước như: tiêu xài hoang phí, lập nhiều đề án, giải tỏa bản năng, táo tợn, vi phạm luật lệ, nghiện rượu, ăn uống vô độ…
4. Giai đoạn toàn phát
- Bệnh nhân náo động, làm hề, tăng biểu hiện nét mặt, ăn mặc chểnh mảng, lố lăng.
- Di chuyển đồ đạc, can thiệp vào mọi việc, châm chọc, đả kích, nói theo vần theo điệu, hát, ngâm thơ, đóng kịch…
B. Bệnh cảnh lâm sàng
1. Các rối loạn khí sắc và bản năng
- Hưng phấn khí sắc là thành phần đầu tiên của cơn hưng cảm.
- Tăng nhận cảm và thấy thỏa mãn khác thường, luôn lạc quan, cảm giác hạnh phúc, mọi việc đều dễ thực hiện, có nhiều đề án lớn lao, không có cảm giác mệt mỏi. Thế giới bên ngoài là nguồn cảm hứng và chất liệu vô tận đối với họ.
- Tính không ổn định của khí sắc: thỉnh thoảng có những cơn lo âu ngắn hoặc tức giận, luân phiên với những thời khắc hưng phấn, vui thích. Có thể có những phản ứng tức giận vô cớ, hoặc từ vui chuyển sang khóc lóc dễ dàng, từ vô tâm tới nản lòng, từ rất hào phóng, bao dung chuyển sang tấn công ác ý.
- Bản năng phóng đãng: buông lỏng quan hệ đạo đức xã hội, hưng phấn tình dục có những đề nghị thô tục, hỗn tạp, thậm chí có chứng loạn dục phô bày. Những hành vi đó hoàn toàn xa lạ với bản chất trước đây của bệnh nhân.
2. Rối loạn quá trình tư duy
- Tư duy nhanh, dồn dập, tản mạn là thành phần chủ yếu của rối loạn. Nội dung không bền vững và vô bổ, mặc dù bề ngoài có vẻ phong phú. Nhạy cảm với mọi kích thích, quá trình liên tưởng nhanh, hời hợt, chơi chữ, nói theo vần theo điệu, thậm chí nói đầu gà đuôi vịt.
- Tăng nhớ (nhớ lại những sự việc lặt vặt), chú ý luôn di chuyển, tri giác rất nhanh.
- Hưng phấn tưởng tượng thường dẫn tới bịa chuyện giả hoang tưởng: chủ đề thường là tự cao (thí dụ có một sứ mệnh đặc biệt). Nội dung không có sự gắn bó chặt chẽ bên trong. Cũng có khi chủ đề là bị hại, yêu sách.
3. Rối loạn hoạt động
- Có nhu cầu gia tăng hoạt động ngay từ lúc khởi phát cơn: nhiều việc phải làm, viết thư liên tục, mua bán chi tiêu thái quá, thiếu thận trọng.
- Bệnh nhân sống theo một nhịp nhanh, trong một bối cảnh ồn ào, náo nhiệt, hỗn độn, thậm chí kích động.
- Luôn sắp xếp lại hay di chuyển đồ đạc trong nhà.
- Hoạt động không ngừng, phân tán, đóng kịch, nhảy múa, cười nói, đôi khi quên cả ăn. Sự gia tăng hoạt động này đôi khi dẫn tới kiệt sức và xuất hiện cơn hoang tưởng cấp có kèm theo sốt.
4. Các triệu chứng cơ thể
- Mất ngủ dai dẳng (kháng thuốc ngủ) nhưng không thấy mệt.
- Đói và khát tăng
- Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, sốt, ra mồ hôi, mất kinh.
C. Tiến triển
- Cơn trung bình: 5-6 tháng.
- Cơn rất ngắn: vài tuần
- Cơn rất dài: nhiều năm, dưới hình thái liên tục hoặc tái diễn, thường gặp sau 50 tuổi.
- Có điều trị: khỏi trung bình sau 2 tháng
- Lần lượt mất dần các triệu chứng như bịa chuyện giả hoang tưởng, hưng phấn. Nói nhiều và hoạt động phân tán mất đi (hoặc chậm hơn). Giấc ngủ trở lại bình thường là một tiêu chuản thuyên giảm.
- Cần điều trị duy trì trong nhiều tháng nữa.
Cần chú ý đề phòng một pha trầm cảm có thể tiếp theo sau pha hưng cảm.
D. Các thể lâm sàng
1.Thể hưng cảm nhẹ
- Thường không được xung quanh phát hiện. Biết được qua những người thân khi kể bệnh sử.
- Có thể là bệnh bắt đầu hoặc thoái triển sau khi điều trị bằng Lithium hay các thuốc chống trầm cảm.
- Biểu hiện: Mất ngủ, gia tăng hoạt động, khoái cảm, rối loạn tính cách, không có rối loạn cơ thể. Có thể gây tổn hại vật chất cho bản thân và cộng đồng. Đôi khi phát sinh vấn đề giám định pháp y rất phức tạp.
2. Thể hỗn hợp
- Trong cơn các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm kết hợp chặt chẽ, trạng thái này hiếm gặp và khó chẩn đoán. Thường thấy ở nữ.
- Hoặc khí sắc thể hiện chủ yếu là hưng cảm nhưng lại kết hợp với ức chế vận động.
- Hoặc trầm cảm đi kèm tư duy nhanh, dồn dập.
- Hoặc khí sắc dao động nhanh, từ đam mê chuyển sang mất hy vọng hoặc tức giận, song song tồn tại các chủ đề tự cao và tội lỗi hoặc cơn lo âu, sợ chết.
Đ. Chẩn đoán phân biệt rối loạn hưng cảm
1. Với các loạn thần khác:
- Cơn hoang tưởng cấp.
- Tâm thần phân liệt.
2. Với các trạng thái kích động khác nhau của:
- Căng trương lực.
- Động kinh
- Lú lấn tâm thần
- Say rượu
- Rối loạn nhân cách.
3. Với hưng cảm trong các bệnh:
- Xuất huyết màng não
- Tăng áp lực nội sọ
- Viêm não
- Hạ đường huyết
E. Điều trị
Cho nhập viện: Thường gặp khó khăn do bệnh nhân chống đối. Nên tiêm an thần kinh yên dịu, hoạt tính nhanh, rồi sau đó đưa đến bệnh viện (Haloperidol, Levomepromazin).
- Cho bệnh nhân vào phòng cách ly, theo dõi chặt chẽ.
- Điều trị bằng an thần kinh yên dịu hoặc đa năng:
+ Tiêm với liều cao 3 ngày đầu và các thuốc chống tác dụng phụ.
+ Sau đó chuyển sang uống nếu bệnh nhân chịu uống. Cần tôn trọng nguyêntắc sử dụng an thần kinh
+ Có thể phối hợp ngay muối Lithium với an thần kinh (theo đúng chỉ định và chống chỉ định).
Điều trị dự phòng
- Chủ yếu đối với loạn thần hưng tràm cảm (phòng tái phát theo chu kỳ).
- Muối Lithium có hiệu quả nhưng phải theo dõi nòng độ Li+ trong máu một cách chặt chẽ.
- Có thể dùng Carbamazepin hay Depamide.
BS Nguyễn Minh Tuấn
(Trích từ cuốn Các rối loạn tâm thần, Chẩn đoán và điều trị)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.